Phẩm 12: Tai Biến
KINH ĐẠI LÂU THÁN
Phật bảo các Tỳ-kheo:
Trời đất có ba tai biến.
Ba tai biến ấy là gì? Một là tai biến về lửa, hai là tai biến về nước, ba là tai biến về gió. Đó là ba tai biến.
Thời kỳ tai biến, con người tụ lại ba chỗ. Ba chỗ ấy là gì?
Gặp thời kỳ tai biến về lửa, con người đều lên trên cõi trời A-vệ-hóa-la thứ mười lăm, tụ tập rất đông. Gặp thời kỳ tai biến về nước, mọi người đều lên trên cõi trời Thủ-bì-cân thứ mười chín, tụ tập rất đông. Gặp thời kỳ tai biến về gió, mọi người đều lên trên cõi trời Duy-xa-a-bát thứ mười ba tụ tập rất đông.
Gặp thời kỳ tai biến về lửa, người trong thiên hạ đều làm việc phi pháp, tà kiến, không chánh kiến, phạm mười điều ác, vì dân chúng đều làm việc phi pháp, làm theo tà kiến, chẳng thấy chánh hạnh; vì làm mười điều ác, nên trời chẳng mưa đúng thời tiết. Sau thời gian trời không mưa, bao nhiêu cây cối, thảo dược, vạn vật trong cõi ấy đều khô chết, không sống lại được.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Đó là vô thường, không kiên cố, chẳng được trường cửu. Đó là quá suy đồi, cho nên phải sớm nhàm chán. Hãy vứt bỏ tất cả, tự cầu giải thoát. Sau đó quá lâu, không thể tính đếm, đại loạn gió nổi lên thổi vào biển lớn ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, đưa mặt trời đại thành quách lên trên triền núi Tu-di một trăm sáu mươi tám vạn dặm, bỏ mặt trời này vào trong quỹ đạo, vì thế nên thế gian có hai mặt trời xuất hiện. Sau khi mặt trời xuất hiện, nước trong các mương, sông nhỏ đều khô hết.
Phật dạy:
– Đó là vô thường, không kiên cố, chẳng được trường cửu. Đó là quá suy đồi, cho nên phải sớm nhàm chán, để đến được đạo giải thoát tự nhiên. Thời gian sau đó rất lâu, không thể tính đếm được, đại loạn gió nổi lên, thổi nước biển lớn nổi sóng ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, đưa mặt trời đại thành quách, lên trên sườn núi chúa Tu-di một trăm sáu mươi tám vạn dặm, bỏ mặt trời thành quách trong quỹ đạo. Vì thế nên thế gian có ba mặt trời xuất hiện. Các dòng nước như sông lớn, sông nhỏ, các dòng sông ở Tà-viễn-a-di-việt-ma-hê, Hòa-xa-tín-tha đều khô hết.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Vì vô thường không kiên cố mới như vậy. Đó là quá suy đồi, cho nên phải nhàm chán, xa lìa để được đạo giải thoát tự nhiên. Lại về sau rất lâu, không thể tính đếm, có đại loạn gió nổi lên thổi nước biển, sóng dậy ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, đưa mặt trời đại thành quách lên trên sườn núi chúa Tu-di một trăm sáu mươi tám vạn dặm, bỏ mặt trời trong quỹ đạo. Vì thế nên thế gian có bốn mặt trời xuất hiện. Các dòng suối, suối lớn và ao A-nạu-đạt, ao hoa sen hồng, ao hoa sen xanh, ao hoa sen trắng, ao hoa sen vàng, ao lớn Ma-na-nhai, ao lớn Na-lợi đều khô hết.
Phật bảo:
– Vì vô thường, không kiên cố mới như vậy, chẳng trường cửu. Đó là quá suy đồi, cho nên phải sớm nhàm chán, xa lìa để được đạo giải thoát tự nhiên. Lại về sau rất lâu, không thể tính đếm, đại loạn gió nổi lên, thổi nước biển lớn, sóng dậy ba trăm sáu mươi sáu vạn dặm, đưa mặt trời đại thành quách lên trên sườn núi chúa Tu-di một trăm sáu mươi tám vạn dặm, bỏ mặt trời trong quỹ đạo. Vì thế nên thế gian có năm mặt trời xuất hiện. Nước biển lớn dần dần vơi đi bốn ngàn dặm, tám ngàn dặm, một vạn hai ngàn dặm cho đến vơi đi hai vạn tám ngàn dặm.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Vì vô thường, không kiên có mới như vậy, chẳng được trường cửu. Đó là quá suy đồi cho nên phải sớm nhàn chán, xa lìa, để được giải thoát tự nhiên. Khi năm mặt trời xuất hiện, làm khô cạn nước biển lớn, có chỗ đến hơn hai vạn tám ngàn dặm, một vạn tám ngàn dặm, một vạn bốn ngàn dặm, tám ngàn dặm, bốn ngàn dặm. Có lúc nước biển vơi dần đi, có nơi còn hơn bảy cây, sáu cây, năm cây, bốn cây, ba cây, hai cây, một cây. Sau đó vơi dần, độ sâu còn bằng tầm cao của bảy người, sáu người, năm người, bốn người, ba người, hai người, một người. Nước biển còn ngập một người, sau đấy, vơi dần đến lưng người, vơi dần đến đầu gối người; sau đó chỉ còn một ít nước, giống như nước mưa đọng trong dấu chân trâu. Sau đó ít lâu, nước trong biển lớn đều khô hết, chẳng thể làm ướt ngón chân người. Thí như thêm một giọt nước mỡ vào trong đống lửa lớn thì chẳng thấy khói.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Vì vô thường, không kiên cố mới như vậy. Cho nên sớm phải nhàm chán, xa lìa để được giải thoát tự nhiên. Lại về sau rất lâu, chẳng thể tính đếm, đại loạn gió thổi nước biển lớn, sóng dây ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, đưa mặt trời đại thành quách lên trên sườn núi chúa Tu-di một trăm sáu mươi tám vạn dặm, bỏ mặt trời trong quỹ đạo. Vì thế nên thế gian có sáu mặt trời xuất hiện. Bốn cõi lớn trong thiên hạ và tám vạn thành, núi lớn và núi chúa Tu-di, đều bị đốt cháy, bốc khói. Thí như hiện trạng bốc khói của lò gốm lớn khi mới nhen.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Như vậy, khi sáu mặt trời xuất hiện ở thế gian, thiêu đốt bốn cõi thiên hạ và tám vạn thành, các núi lớn, núi chúa Tu-di đều bốc khói. Thí như mỡ thấm vào trong đám lửa lớn liền cháy tan không khói.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Vì vô thường, không kiên cố, cho nên phải sớm chán bỏ, cần cầu giải thoát, đắc đạo tự nhiên. Lại sau đó rất lâu, có đại loạn gió nổi lên, thổi nước biển lớn, sóng dậy ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, đưa mặt trời thành quách lên trên sườn núi chúa Tu-di, bỏ mặt trời trong quỹ đạo. Vì vậy, thế gian có bảy mặt trời xuất hiện. Bốn cõi thiên hạ và tám vạn thành, các núi lớn, núi chúa Tu-di đều rung chuyển chao động. Thí như cái đảnh, cái vạc lớn đun lửa, nước sôi vọt lên. Khi bảy mặt trời xuất hiện cũng như vậy. Cung của các trời Tứ-thiên-vương, trời Đao-lợi, trời Diệm, trời Đâu-suất, trời Ni-ma-la, trời Ba-la-ni-mật, trời Phạm-ca-di đều rung chuyển lay động. Cung của chư Thiên Phong cao, trên đến trời A-vệ-hóa-la, các Thiên-tử mới sanh ở cung trời đó thấy lửa đều sợ hãi. Các Thiên-tử sanh trước nói với các Thiên-tử mới sanh: “Các vị chớ nên sợ hãi. Ngày xưa khi ta thấy lửa thiêu, lửa chỉ lên tới đây, không cao hơn nữa. Bấy giờ, bốn cõi thiên hạ và tám vạn thành, các núi lớn và núi Tu-di đều rung chuyển lay động. Bốn ngàn dặm núi chúa Tu-di bị sụp đổ, rồi tám ngàn dặm, một vạn hai ngàn dặm, một vạn sáu ngàn dặm, hai vạn dặm, bốn ngàn dặm, ba vạn tám ngàn dặm đều sụp đổ. Thí như mỡ thấm vào trong đống lửa lớn, không có khói cũng không có gì khác.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Mọi sở hữu là vô thường, không kiên cố, là như thế. Đó là sự suy đồi cùng cực, cho nên phải sớm nhàm chán xa lìa, để được giải thoát tự nhiên.
Ai sẽ tin lúc thế gian có bảy mặt trời xuất hiện? Chỉ có người thấy mới tin.
Ai sẽ tin bốn cõi thiên hạ và tám vạn thành, các núi lớn và núi chúa Tu-di bị rung chuyển lay động? Và Tứ-thiên-vương, trời Đao-lợi, trời Diệm, trời Đâu-suất, trời Vô-cống-cao, trời Tha-hóa tự chuyển, trời Phạm-ca-di đều rung chuyển lay động? Hay gió cuốn các cung của chư Thiên lên đến trời A-vệ-hóa-la thứ mười lăm? Chỉ có người thấy mới tin.
Ai sẽ tin núi chúa Tu-di bị hủy hoại hết, lại không còn chỗ núi đất nào mà không bị thiêu đốt, tất cả các địa ngục đều bị phá hủy hết sạch; sau đó súc sanh, cầm thú cũng bị tiêu diệt hết; kế đến ngạ quỷ cũng bị tiêu diệt; tiếp theo A-tu-luân cũng bị tiêu diệt; rồi tiếp đến loài người đều chết hết và Tứ-thiên-vương, trời Đao-lợi, trời Diệm, trời Đâu-suất, trời Vô-cống-cao, trời Tha-hóa tự chuyển, trời Phạm-ca-di, chư Thiên đều chết hết; đó gọi là đất trời bị thiêu hủy. Con người dồn lại một chỗ. Nhưng sau đó rất lâu, có mây lớn nổi lên, đổ mưa to xuống, giọt mưa to như bánh xe đầy ngập các sông biển, nước dần dần dâng lên đến trời Phạm-ca-di, lại đến trời Quang-minh-thanh thứ mười lăm. Nước ấy bốn phía đều có gió cản lại. Gió thứ nhất tên là Trụ-phong, thứ hai tên là Trợ-phong, thứ ba là Bất-động-phong, thứ tư là Kiên-phong. Đó là bốn thứ gió.
Sau đó rất lâu, khoảng một ngàn vạn năm, nước dần dần hạ xuống vô số trăm ngàn do-tuần. Có gió tên là Tăng-kiệt bao bọc bốn phía, nổi lên thổi nước hạ xuống lần lần. Trên sóng nước, nổi lên một lớp bọt dày hóa thành đường đi bảy báu; cứ như vậy lên đến tầng trời thứ bảy tạo thành cung điện.
Sau đó rất lâu, vài ngàn vạn năm, nước dần dần hạ xuống hàng trăm do-tuần, hàng trăm ngàn do-tuần, gió loạn từ bốn phía nổi lên, thổi động mặt nước, sanh một lớp bọt dày, hóa thành bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, chơn châu đỏ làm thành đường đi. Kim phong lo việc tạo thành cõi Ba-la-ni-hòa-đa-việt thứ sáu, chỗ ở của chư Thiên.
Sau đó rất lâu, hàng ngàn vạn dặm, nước dần dần hạ xuống, có gió loạn tên là Thái-kiệt từ bốn phía đến thổi trên mặt nước, sóng nổi dậy sanh ra một lớp bọt dày, hóa thành bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não tạo thành đường đi, nhà cửa. Gió loạn trông coi trên cõi trời thứ năm tạo thành cảnh cung điện của chư Thiên.
Lại sau đó rất lâu, hàng ngàn vạn năm, nước dần dần hạ xuống ngàn vạn do-tuần, gió loạn từ bốn phía đến thổi trên mặt nước, sóng nổi dậy, sanh một lớp bọt dày hóa thành bốn báu. Một là vàng ròng, hai là bạc trắng, ba là lưu ly, bốn là pha lê; gió loạn mang đến tại khoảng giữa trời và thế gian tạo thành núi chúa Tu-di cao ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, rộng dài ba trăm ba mươi sáu vạn dặm. Vùng trời ở sườn phía Đông của núi là bạch ngân; vùng trời ở sườn phía Nam là lưu ly xanh, vùng trời ở sườn phía Tây là pha lê, vùng trời ở sườn phía Bắc là vàng ròng.
Lại sau đó rất lâu, hàng ngàn vạn năm, nước xuống dần dần, hàng ngàn vạn do-tuần, gió loạn từ bốn phía thổi đến làm xao động nước, trên mặt nước sanh một lớp bọt dày hóa thành bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não làm thành giao lộ; gió loạn mang lên núi chúa Tu-di làm nên cảnh cung điện của trời Đao-lợi thứ hai.
Lại sau đó rất lâu, hàng ngàn vạn năm, nước hạ xuống dần dần hàng ngàn vạn do-tuần, gió loạn từ bốn phía thổi đến làm xao động nước, sóng nổi lên, sanh ra một lớp bọt dày hóa thành bảy báu, thành đường đi, gió loạn mang lên núi chúa Tu-di một trăm sáu mươi tám vạn dặm, ở giữa núi làm nên cảnh cung điện của chư Thiên ở cõi trời thứ nhất.
Lại sau đó rất lâu, hàng ngàn vạn năm, nước hạ xuống dần dần, gió loạn từ bốn phía thổi đến làm xao động nước, sóng nổi lên, sanh một lớp bọt dày hóa thành kim cương, gió loạn mang đến bốn cõi lớn trong thiên hạ, và tám vạn thành bên ngoài tạo thành núi cao sáu trăm tám mươi vạn do-tuần bao bọc bốn phía, gọi là núi Đại thiết vi.
Lại sau đó rất lâu, hàng ngàn vạn năm, nước dần dần hạ xuống, gió loạn từ bốn phía thổi đến làm xao động nước, sóng nổi lên làm sanh ra một lớp bọt dày hóa thành kim cương; gió loạn lại mang đến bốn cõi lớn trong thiên hạ và tám vạn thành bên ngoài bao bọc bốn phía và tạo thành núi lớn thứ hai, núi ấy cao sáu trăm tám mươi vạn do-tuần.
Sau đó, nước hạ xuống dần dần hàng mười vạn dặm, gió loạn từ bốn phía thổi đến làm xao động mặt nước, sóng nổi lên làm sanh ra một lớp bọt dày hóa thành bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu đỏ, xa cừ, mã não bao bọc chung quanh tạo thánh tám lớp núi cao một trăm sáu mươi tám vạn dặm, tên gọi là A-đa-lợi rất đẹp đẽ.
Nước ấy hạ xuống dần dần hàng mười vạn dặm, gió loạn từ bốn phía thổi đến làm xao động mặt nước, sóng nổi lên làm sanh ra một lớp bọt dày hóa thành bảy báu mang lên núi A-đa-lợi bao bọc chung quanh, làm thành núi thứ hai, tên là Y-sa-đa cao một trăm ba mươi bốn vạn dặm rất đẹp đẽ. Núi thứ ba tên là Dự-hán-đa cao bốn mươi tám vạn dặm, rộng cũng bốn mươi tám vạn dặm. Núi thứ tư tên là Thiện kiến, cao hai mươi bốn vạn dặm, rộng cũng hai mươi bốn vạn dặm. Núi báu thứ năm tên là A-ba-ni, cao mười hai vạn dặm, rộng cũng mười hai vạn dặm. Núi báu thứ sáu tên là Ni-di-đa-la cao bốn ngàn bốn vạn dặm, rộng cũng bốn ngàn bốn vạn dặm. Núi báu thứ bảy tên là Duy-na-đâu cao hai vạn hai ngàn dặm, rộng cũng hai vạn hai ngàn dặm. Núi báu thứ tám tên là Giá-ca-hòa cao một vạn hai ngàn dặm, rộng cũng một vạn hai ngàn dặm.
Sau đó, nước hạ xuống dần dần, gió loạn từ bốn phía thổi đến trên mặt nước sanh một lớp bọt dày, hóa thành lớp đất dày, từ đó sanh đại địa, dày sáu trăm tám mươi vạn do-tuần, biên giới vô hạn. Gió loạn nổi lên, thổi mạnh xoáy mòn đất rất sâu đến ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, dài cũng ba trăm ba mươi sáu vạn dặm, các dòng nước trong thiên hạ đều chảy dồn vào đó đầy ắp, do đó thành biển lớn. Nước biển vì sao mặn? Vị mặn duy nhất ấy có ba nguyên nhân. Một là trong biển có đàn cá lớn, có con thân dài bốn ngàn dặm, có con dài tám ngàn dặm, có con dài một vạn hai ngàn dặm, có con dài một vạn sáu ngàn dặm, có con dài hai vạn dặm, có con dài hai vạn bốn ngàn dặm, có con dài hai vạn tám ngàn dặm dặm, có con dài ba vạn hai ngàn dặm, tất cả đều ngâm sâu trong biển, cho nên nước biển mặn.
Hai là mây nổi lên che phủ các biển, rồi đổ mưa to, mây ấy lên đến trời A-ca-ni-trá, đổ mưa hạt lớn như bánh xe, rửa sạch cung điện của trời Tu-di-đà-chiên, trời A-đáp-hòa, trời A-tỷ-ba, trời Thủ-bì-cân, trời Duy-ha-bát, trời A-bì-ba, trời Phạm-ca-di xuống đến Tứ-thiên-vương. Vì nước mặn ấy đều chảy vào biển lớn nên nước biển có vị mặn.
Lại nữa, được vị tiên nhân có khả năng làm phép khiến cho nước biển có vị mặn, cho nên nước biển mặn.
Đó là ba nguyên nhân.
Phật dạy:
– Trời đất khi cùng gặp tai biến về nước, người trong thiên hạ đều thực hành các điều thiện, vui mừng làm việc đạo đức. Sau khi chết, tinh thần, thể phách đều sanh lên cõi trời thứ mười sáu làm chư Thiên. Người trong địa ngục, các loài sinh vật, có hơi thở có sự cựa quậy, khi chết đều trở lại hình người; lại thực hành các điều thiện, vui làm đạo đức, chết đều sanh lên làm chư Thiên ở cõi trời thứ mười sáu. A-tu-luân, chư Thiên và chư Thiên trên cõi trời thứ nhất cho đến chư Thiên trên cõi trời thứ mười lăm, khi chết, tinh thần, thể phách đều đi xuống trở lại hình người, thực hành, tích tụ các điều thiện, ưa thích, vui vẻ làm việc đạo đức, khi chết đều trở lại lên cõi trời thứ mười sáu làm chư Thiên. Sau đó, chư Thiên chết hết.
Rất lâu, mây lớn lại nổi lên, bay lên đến tầng trời thứ mười lăm, mây ấy đổ mưa nước tro nóng rất lớn, hạt mưa lớn như bánh xe. Trời mưa nước tro nóng như vậy rất lâu, hàng trăm ngàn vạn dặm, bốn cõi thiên hạ tám vạn thành, các núi lớn và núi chúa Tu-di, từ trên cõi trời thứ mười lăm, xuống đến cõi Tứ-thiên-vương, tất cả đều tiêu diệt hết, không còn gì. Thí như dùng nước mỡ nhỏ vào đống lửa lớn, chẳng thấy bốc khói.
Ai sẽ tin lời này? Chỉ có người đắc đạo tự nhiên, mới tin mà thôi.
Đó gọi là thời kỳ trời đất gặp tai biến về nước, sự kiện trọng yếu hủy hoại tiêu tan hết.
Trời đất bị phá hủy tiêu tan hết, sau đó mới có được cách thức sanh khởi. Như thời kỳ gặp tai biến về nước, lại có cùng cách thức sanh khởi. Bắt đầu hình thành từ trên cõi trời thứ mười lăm, xuống cho đến cõi trời thứ nhất A-tu-luân, và tạo tác bốn cõi thiên hạ, tám vạn thành, các núi lớn, núi Tu-di, mặt trời, mặt trăng, tinh tú mới hiện ra, xuống cho đến vạn vật có trong thiên hạ, tạo ra cảnh núi lớn Thiết vi. Đó gọi là thời kỳ trời đất gặp tai biến về nước hủy hoại tiêu tan hết, sau đó mới bắt đầu lại từ đầu.
Phật dạy:
– Thời kỳ trời đất cùng gặp tai biến về gió lớn, người trong thiên hạ cùng thực hành và an trú trong điều thiện, nhân từ, hiếu thuận, thường ưa thích làm việc đạo đức. Khi chết, tinh thần đều lên cõi trời thứ mười bảy làm chư Thiên. Người trong địa ngục và các loài sinh vật, có hơi thở, có cử động, khi chết đều trở lại làm người, đều trở lại làm các hạnh lành, ưa thích làm việc đạo đức; khi chết, tinh thần, thể phách lên cõi trời thứ mười bảy làm chư Thiên. Trời A-tu-luân và chư Thiên trên cõi trời thứ nhất cho đến cõi trời thứ mười sáu đều chết hết, tinh thần, thể phách lại quay xuống làm hình người, ban bố, thực hành, tích lũy các điều thiện, ưa thích làm việc đạo đức, khi chết đều được sanh lên cõi trời thứ mười bảy làm chư Thiên, tiếp đến thì người trong thiên hạ mới chết hết.
Sau đó rất lâu, gió lớn tên là Lai-kha-sa nổi lên, thổi đến cõi trời thứ mười sáu, thoáng chốc phá hoại, tiêu hủy hết, trên đó đều tiêu tan hết chẳng còn gì, không còn tiếng, không còn vang. Gió lớn thổi như vậy rất lâu, làm tiêu tan hết chỗ ở của chư Thiên trên cõi trời thứ mười sáu, xuống cho đến trời A-tu-luân, không còn gì. Thí như gió lớn thổi bột mịn, bột theo gió bay đi tiêu tan hết.
Bốn cõi thiên hạ và tám vạn thành, các núi lớn và núi Tu-di tiêu diệt hết; núi Thiết vi, Thái sơn đều cùng loạt tiêu diệt hết, không còn gì. Thí như gió lớn thổi bột mịn, bột theo gió bay đi tiêu tan hết.
Sau thời kỳ trời đất gặp tai biến về gió lớn một kiếp, lại bắt đầu phương thức sanh khởi như sau khi gặp tai biến về lửa, lại bắt đầu sanh khởi lại một kiếp mới.
Đó gọi là trời đất cùng gặp gió lớn, phá hoại tiêu tan hết là do ba thứ ấy, lại mới bắt đầu sanh khởi, cũng là do ba thứ ấy.
Ai sẽ là người tin lời này? Chỉ có người đắc đạo tự nhiên mới tin điều ấy mà thôi.
Trời đất cùng bắt đầu sanh khởi, như khi gặp thời kỳ tai biến về lửa, sau đó lại tuần tự bắt đầu sanh khởi. Gió loạn lại nổi lên, sau khi tạo dựng xong, chư Thiên trên cõi trời thứ mười lăm, ai phước lộc mỏng, đều xuống ở đầy nơi cõi trời thứ mười một và tại chỗ người ở, xuống ở đó tràn đầy, và ở trời A-tu-luân, tại bốn phía núi Tu-di, nơi ở cũ của họ, đều tràn đầy.
(Hết Quyển 5)