KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 9

雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.

THUẦN-ĐÀ
KINH SỐ 887

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Kê lâm viên, nước Ba-tra-lợi Phất-đa-la. Bấy giờ Tôn-giả A-nan đến chỗ Tôn-giả Đại Thuần-đà, cùng nhau thăm hỏi xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ Tôn-giả A-nan thưa Tôn-giả Thuần-đà:

“Có những điều tôi muốn hỏi, Tôn-giả có rảnh rỗi để giải đáp cho không?”

Tôn-giả Thuần-đà nói với Tôn-giả A-nan:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết thì tôi sẽ trả lời.”

Tôn-giả A-nan hỏi Tôn-giả Thuần-đà:

“Như Đức Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, đã nói, sắc do bốn đại tạo được thi thiết, được hiển thị, rằng sắc do bốn đại tạo này là phi ngã. Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, cũng nói thức là phi ngã chăng?”

Tôn-giả Thuần-đà nói với Tôn-giả A-nan:

“Tôn-giả là đa văn bậc nhất. Tôi từ xa đến chỗ Tôn-giả là vì muốn hỏi pháp này. Hôm nay Tôn-giả xin vì tôi mà nói nghĩa này.”

Tôn-giả A-nan hỏi Thuần-đà:

“Nay tôi hỏi Tôn-giả, hãy tùy ý mà trả lời. Thưa Tôn-giả Thuần-đà, vì có mắt, có sắc, có nhãn thức phải không?”

Đáp:

“Phải.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Do duyên vào mắt và sắc nên nhãn thức sanh phải không?”

Đáp:

“Đúng như vậy.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là thường hay là vô-thường?”

Đáp:

“Là vô-thường.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Nhân này, duyên này sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là vô-thường, biến dịch, vậy thức kia có trụ không?”

Đáp:

“Bạch Tôn-giả, không.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Theo ý Tôn-giả thế nào, pháp kia hoặc sanh hoặc diệt có thể biết được, đa văn Thánh-đệ-tử ở trong đó có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Bạch Tôn-giả A-nan, không.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Theo ý Tôn-giả thế nào đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp; có ý, có pháp, có ý thức không?”

Đáp:

“Có.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Do duyên vào ý và pháp mà ý thức sanh chăng?”

Đáp:

“Đúng như vậy.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Nếu ý duyên pháp mà ý thức sanh; nhân này, duyên này là thường hay vô-thường?”

Đáp:

“Là vô-thường.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Hoặc nhân, hoặc duyên mà sanh ra ý thức; nhân này, duyên này là vô-thường, biến dịch, vậy ý thức có trụ không?”

Đáp:

“Không.”

Tôn-giả A-nan lại hỏi:

“Theo ý Tôn-giả thế nào, pháp này hoặc sanh hay diệt có thể biết, đa văn Thánh-đệ-tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Bạch Tôn-giả A-nan, không.”

Tôn-giả A-nan nói với Tôn-giả Thuần-đà:

“Cho nên, này Tôn-giả, Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc Tri giả, Kiến giả, đã nói, thức cũng vô-thường.

Giống như có người cầm rìu vào núi, thấy cây chuối, cho là có thể dùng được, liền chặt đứt gốc, tách bỏ lá, lột bẹ để tìm lõi của nó. Nhưng lột đến chỗ tận cùng vẫn không thấy chỗ nào chắc cả. Cũng vậy, đa văn Thánh-đệ-tử quán sát chân chánh nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Khi quán sát chân chánh, không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm nhiễm; vì không có gì để đắm nhiễm nên tự mình chứng ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm-hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Khi hai vị Chánh sĩ kia nói pháp trên, cả hai đều hoan hỷ và mỗi vị trở về chỗ ở của mình.

(KINH THUẦN-ĐÀ - HẾT)



  ‹    
  ›    
A+   A-
Kinh Tạp A Hàm - 1154 bài kinh