KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 9
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
TỲ-NỮU CA-CHIÊN-DIÊN
KINH SỐ 890
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn-giả Ưu-đà-di đi qua nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến thôn Câu-bàn-trà, trú trong vườn Am-la của nữ Bà-la-môn dòng họ Tỳ-nữu Ca-chiên-diên.
Bấy giờ có những người đệ tử nhỏ tuổi của nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị đi nhặt củi trong vườn Am-la, thấy Tôn-giả Ưu-đà-di đang ngồi dưới bóng cây, tướng mạo đoan chánh, các căn vắng lặng, tâm ý an trụ, thành tựu sự điều phục bậc nhất; thấy vậy bèn đến chỗ ngài, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Tôn-giả Ưu-đà-di vì các thiếu nữ, bằng nhiều hình thức, thuyết pháp, khích lệ họ xong, rồi im lặng. Sau khi nghe Tôn-giả dạy, các thiếu niên tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Các thiếu nữ vác củi trở về chỗ nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị, đặt củi xuống đất, rồi đến chỗ nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị, thưa:
“Hòa thượng ni của chúng con biết cho, trong vườn Am-la có Sa-môn Ưu-đà-di, dòng họ Cù-đàm đang ở nơi đó và nói pháp rất hay.”
Nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên thị bảo các thiếu nữ:
“Các con hãy đến đó mời Sa-môn Ưu-đà-di dòng họ Cù-đàm ngày mai đến đây dùng cơm.”
Bấy giờ, các đệ tử thiếu nữ vâng lời nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên đến chỗ Tôn-giả Ưu-đà-di bạch:
“Tôn-giả biết cho, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên, Hòa thượng của chúng con, mời Tôn-giả ngày mai đến dùng cơm.”
Bấy giờ, Ưu-đà-di im lặng nhận lời. Các thiếu nữ biết Tôn-giả Ưu-đà-di đã nhận lời mời rồi, trở về chỗ nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên, thưa:
“Bạch Hòa thượng ni, chúng con đã vâng lời Hòa thượng ni mời Tôn-giả Ưu-đà-di và Tôn-giả Ưu-đà-di đã im lặng nhận lời mời rồi, xin Hòa- thượng-ni biết cho.”
Qua khỏi đêm, sáng hôm sau, Tôn-giả Ưu-đà-di đắp y mang bát đến nhà nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên. Nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên từ xa trông thấy Tôn-giả Ưu-đà-di lại, vội vàng trải giường chõng mời ngồi; dọn các thứ đồ ăn thức uống ra, tự tay mình cúng dường các món ngon đầy đủ. Sau khi ăn xong, rửa tay, rửa bát, rồi trở lại chỗ ngồi. Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên biết Tôn-giả đã ăn xong, bà mang một đôi giầy tốt, lấy vải phủ đầu, để riêng một cái ghế cao, tỏ vẻ khinh thường, ngạo mạn mà ngồi và nói với Tôn-giả Ưu-đà-di:
“Tôi có điều muốn hỏi, ngài có rảnh để trả lời cho không?”
Tôn-giả Ưu-đà-di đáp:
“Thưa chị, hôm nay không phải lúc.”
Nói như vậy xong, Tôn-giả từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sáng hôm sau các đệ tử lại đến vườn Am-la nhặt củi và nghe pháp và trở về lại bạch với Hòa thượng ni. Hòa thượng ni lại sai đi mời Tôn-giả thọ trai. Ba lần như vậy đến thỉnh pháp, vẫn trả lời là chưa đúng lúc, mà không nói pháp. Các đệ tử thiếu niên lại bạch Hòa thượng ni:
“Ở trong vườn Am-la Sa-môn Ưu-đà-di nói pháp rất hay.”
Hòa thượng ni nói:
“Ta cũng biết là ông ấy nói pháp rất hay. Nhưng qua ba lần mời đến cúng dường và hỏi pháp, luôn luôn bảo là chưa đúng lúc, không nói mà bỏ đi.”
Các đệ tử thưa:
“Hòa thượng ni mang giầy tốt, dùng vải che đầu, ngồi không cung kính, thì Tôn-giả này làm sao nói được. Vì sao? Vì Tôn-giả Ưu-đà-di này rất cung kính pháp nên không nói mà bỏ đi.”
Hòa thượng ni bảo:
“Nếu như vậy thì nên vì ta mời lại Tôn-giả đi.”
Các đệ tử vâng lời dạy, thỉnh cúng dường trở lại như trước.
Bấy giờ, Hòa thượng ni biết Tôn-giả đã ăn uống xong xuôi, bà ta liền cởi giầy, sửa lại quần áo, ngồi xuống một chiếc ghế thấp, cung kính bạch:
“Tôi có điều muốn hỏi, Tôn-giả có rảnh mà trả lời cho không?”
Tôn-giả Ưu-đà-di đáp:
“Hôm nay, chị cứ hỏi, tôi sẽ nói cho chị nghe.”
Cô ta liền hỏi:
“Có Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Khổ vui là do mình tự tạo.’ Hoặc lại có người nói: ‘Khổ vui là do người khác tạo.’ Hoặc lại có người nói: ‘Khổ vui là do tự mình tạo và người khác tạo.’ Hoặc có người nói: ‘Khổ vui chẳng phải do mình tạo cũng chẳng do ngưới khác tạo.’ Vậy theo Tôn-giả thì thế nào?”
Tôn-giả Ưu-đà-di đáp:
“Này chị, A-la-ha nói khổ vui phát sanh bằng cách khác, chứ không phải nói như vậy.”
Nữ Bà-la-môn lại hỏi:
“Nghĩa ấy như thế nào?”
Tôn-giả Ưu-đà-di đáp:
“A-la-ha nói, từ nhân duyên các khổ và lạc sanh.”
Tôn-giả Ưu-đà-di lại nói với nữ Bà-la-môn:
“Bây giờ tôi hỏi chị, tùy ý mà trả lời tôi. Ý chị nghĩ sao, có mắt không?”
Đáp:
“Bạch có.”
“Có sắc không?”
Đáp:
“Bạch có.”
“Có nhãn thức, nhãn xúc và các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc không?”
Đáp:
“Bạch Tôn-giả Ưu-đà-di, có như vậy.”
Tôn-giả Ưu-đà-di lại hỏi:
“Có tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc không?”
Đáp:
“Bạch Tôn-giả Ưu-đà-di, có như vậy.”
Tôn-giả Ưu-đà-di nói:
“Đó là điều mà các A-la-ha nói, từ nhân duyên khổ vui sanh.”
Nữ Bà-la-môn bạch Tôn-giả Ưu-đà-di:
“A-la-ha nói, từ nhân duyên khổ vui sanh, là như vậy chăng?”
Tôn-giả Ưu-đà-di đáp:
“Nữ Bà-la-môn, đúng như vậy.”
Nữ Bà-la-môn lại hỏi:
“Bạch Sa-môn, A-la-ha nói như thế nào, từ nhân duyên khổ vui, không khổ không vui diệt?”
Tôn-giả Ưu-đà-di đáp:
“Bây giờ tôi hỏi chị, cứ tùy ý mà trả lời tôi. Này nữ Bà-la-môn, khi tất cả mắt, tất cả thời, diệt không còn gì, bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc?”
Đáp:
“Bạch Sa-môn, không.”
“Cũng vậy, khi tai, mũi, lưỡi, thân, ý và tất cả thời cũng diệt tận vĩnh viễn không còn gì hết, thì bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc?”
“Bạch Sa-môn, không.”
“Như vậy, này nữ Bà-la-môn, đó là điều mà bậc A-la-ha nói, từ nhân duyên khổ vui, không khổ không vui diệt.”
Khi Tôn-giả Ưu-đà-di nói pháp này, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên xa lìa trần cấu, được con mắt pháp thanh tịnh.
Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tỳ-nữu Ca-chiên-diên, thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc không do ai khác; thâm nhập vào giáo pháp của Phật, đối với pháp đạt được vô sở úy, từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, cung kính chắp tay bạch Tôn-giả Ưu-đà-di:
“Hôm nay, con quyết định, ngay từ bây giờ con xin qui y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ nay cho đến suốt đời con xin quy y Tam-bảo.”
Lúc bấy giờ Tôn-giả Ưu-đà-di vì nữ Bà-la-môn nói pháp, soi sáng, chỉ bày, dạy bảo, làm cho vui vẻ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.