KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 7
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
TÍN LỰC
KINH SỐ 830
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như có người bị lửa đốt đầu và áo, phải làm sao để cứu?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, phải gấp rút, nhanh chóng, nỗ lực tìm cách để dập tắt nó.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Đầu và áo bị đốt cháy còn có thể tạm quên đi được, còn lửa vô-thường mà hừng hực thì cần phải đoạn trừ tận diệt. Vì muốn đoạn trừ lửa vô-thường, nên tu tín lực. Vậy để đoạn trừ những pháp vô-thường nào phải tu tín lực? Đoạn trừ sắc vô-thường nên tu tín lực; đoạn trừ thọ, tưởng, hành, thức vô-thường nên tu tín lực.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
- Như kinh dạy về vô-thường, quá khứ là vô-thường, vị lai là vô-thường, hiện tại là vô-thường; quá khứ, vị lai là vô-thường; quá khứ, hiện tại là vô-thường; vị lai, hiện tại là vô-thường; quá khứ, vị lai, hiện tại là vô-thường, tám kinh cũng dạy như trên vậy.
- Như kinh dạy về tín lực, tám kinh dạy về tinh tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực cũng dạy như trên vậy.
- Như bốn mươi kinh dạy về đoạn trừ, trong mỗi một kinh của bốn mươi kinh dạy về nên hiểu biết, nên nhàm chán, nên dứt trừ, nên dừng nghỉ, nên buông xả, nên diệt tận, nên dứt bặt cũng dạy như trên vậy.