KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 7

雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.

THAM DỤC
KINH SỐ 836

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Vì thành tựu một pháp, nên không có khả năng nhận biết sắc là vô-thường; biết thọ, tưởng, hành, thức là vô-thường. Một pháp được thành tựu là pháp nào? Tham-dục, một pháp được thành tựu, nên không có khả năng nhận biết sắc là vô-thường; biết thọ, tưởng, hành, thức là vô-thường.

Thành tựu một pháp gì? Đó là thành tựu pháp không tham dục. Pháp không tham dục, có khả năng nhận biết sắc là vô-thường; biết thọ, tưởng, hành, thức là vô-thường.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như thành tựu và không thành tựu, đối với biết và không biết, gần và không gần, sáng và không sáng, hiểu và không hiểu, quan sát và không quan sát, suy lường và không suy lường, che giấu và không che giấu, gieo trồng và không gieo trồng, đè nén và không đè nén, che mờ và không che mờ lại cũng như vậy. Biết (tri) như vậy, thức như vậy, hiểu rõ (giải) như vậy, chấp nhận (cho), mong cầu, biện biệt, tiếp xúc, nhận thật lại cũng như vậy.

Như tham, đối với nhuế, si, sân, hận, mắng chưởi, chấp chặt, ganh ghét, keo kiệt, lừa dối, không hổ, không thẹn, mạn, mạn mạn, tăng mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, tà mạn, ty mạn, kiêu mạn, buông lung, kiêu căng, cống cao, quanh co, hình thức dối trá, dụ lợi, ác lợi, muốn nhiều, muốn thường không cung kính, miệng ác, tri thức ác, không nhẫn, tham đắm, hạ tham, ác tham; thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới thủ, dục ái, sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi, hôn túy, quanh quẹo, mạnh bạo, lười biếng, loạn tưởng, nhớ nghĩ không đúng, thân nhơ, không ngay thẳng, không dịu dàng, không khác; tầm cầu dục (dục giác), tầm cầu sân (sân giác), tầm cầu hại, tầm cầu thân thuộc, tầm cầu bờ cõi, tầm cầu nhẹ dễ, tầm cầu yêu nhà người, sầu ưu, não khổ. Đối với những thứ này tất cả cho đến: “bị che mờ, không có khả năng tác chứng sự đoạn diệt sắc. Pháp ấy là pháp nào? Là pháp khổ não, vì khổ não che mờ nên không có khả năng tác chứng sự đoạn diệt sắc, không có khả năng tác chứng sự đoạn diệt thọ, tưởng, hành, thức. Có một pháp không che mờ, nên có khả năng tác chứng sự đoạn diệt sắc và có khả năng tác chứng sự đoạn diệt thọ, tưởng, hành, thức. Pháp ấy là pháp nào? Là pháp khổ não, vì pháp này không che mờ nên có khả năng tác chứng sự đoạn diệt sắc và cũng có khả năng tác chứng sự đoạn diệt thọ, tưởng, hành, thức.


Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

(KINH THAM DỤC - HẾT)



  ‹    
  ›    
A+   A-
Kinh Tạp A Hàm - 1154 bài kinh