KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 17

雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.

THÂM HIỂM
KINH SỐ 1070

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, nơi thành Vương-xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Biển lớn sâu hiểm. Đó là cái sâu hiểm mà người ngu ở thế gian này thường nói, không phải là sâu hiểm được nói trong pháp luật của Hiền thánh. Những gì mà thế gian nói về sự sâu hiểm thì đó chỉ là sự tích tụ số lượng nước nhiều mà thôi. Nếu các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, thì đó mới gọi là nơi sâu hiểm vô cùng của biển lớn.

Phàm phu ngu si không học, ở nơi các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu la, tâm loạn phát cuồng, mà trường kỳ chìm đắm, không chỗ dừng nghỉ.

Đa văn Thánh-đệ-tử, ở nơi các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu la, tâm loạn phát cuồng, mà không chìm đắm sanh tử, được chỗ dừng nghỉ.”

Sau đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Thân sanh các khổ thọ,
Bức bách cho đến chết,
Sầu bi không chịu nổi,
Than khóc, phát cuồng loạn.
Tâm tự sanh khốn quẫn,
Chiêu tập các khổ tăng,
Mãi chìm biển sanh tử,
Nào biết chỗ dừng nghỉ.
Xả các thọ nơi thân,
Khổ não sanh từ thân,
Bức bách cho đến chết,
Không khởi tưởng buồn lo,
Không than khóc kêu gào,
Thường nhẫn thọ các khổ,
Tâm không sanh chướng ngại,
Chiêu tập các khổ tăng,
Không chìm đắm sanh tử,
Quyết được nơi an ổn.


Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(KINH THÂM HIỂM - HẾT)



  ‹    
  ›    
A+   A-
Kinh Tạp A Hàm - 1154 bài kinh