KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 17
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
THIỀN
KINH SỐ 1074
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng, thiền tịnh, tư duy: “Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ. Vậy, điều này có nghĩa gì?”
Tỳ-kheo này suy nghĩ như vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, con ở chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh tư duy có nghĩ rằng: “Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy, điều này có nghĩa gì?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ta, vì tất cả hành đều vô-thường, tất cả hành là pháp biến đổi nên nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Biết các hành vô-thường,
Đều là pháp biến dịch, Nên nói thọ là khổ, Chánh Giác biết điều này. Tỳ-kheo siêng phương tiện, Chánh trí không lay động, Đối với tất cả thọ, Trí tuệ thường biết rõ. Biết rõ tất cả thọ, Hiện tại hết các lậu, Khi chết không đọa lạc, An trụ Bát-niết-bàn. |
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.