KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 17
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
TỲ-KHEO
KINH SỐ 1079
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin nói đầy đủ, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
Này các Tỳ-kheo, có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi; khi xúc diệt tận, thọ diệt tận. Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Nếu cảm thọ là vô-thường, là pháp biến dịch, đó gọi đó là sự tai hại của thọ. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.