KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 17
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
NHẤT-XA-NĂNG-GIÀ-LA
KINH SỐ 1082
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong rừng Nhất-xa-năng-già-la, nước Nhất-xa-năng-già-la. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta muốn ở lại tại đây nửa tháng để ngồi thiền. Các Tỳ-kheo, chớ đi du hành nữa, trừ khi đi khất thực và Bố tát.”
Rồi tọa thiền, không du hành nữa.
Bấy giờ, qua nửa tháng, Thế Tôn trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:
“Khi Ta, bằng một ít thiền phần của thiền pháp được tư duy khi mới thành Phật, nay trong tháng này, tư duy rằng: Sự sanh khởi của tất cả cảm thọ của chúng đều có nhân duyên, không phải không có nhân duyên.
Những gì là nhân duyên? Dục là nhân duyên, giác là nhân duyên, xúc là nhân duyên. Này các Tỳ-kheo, nếu dục không được diệt tận, giác không diệt tận, xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
Nếu dục kia được diệt tận, nhưng giác không diệt tận, xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
Nếu dục kia được diệt tận, giác diệt tận, nhưng xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
Nếu dục kia được diệt tận, giác diệt tận, xúc diệt tận; nhưng do nhân duyên kia mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh, là do nhân duyên cái kia diệt tận, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
Vì nhân duyên tà kiến nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; vì nhân duyên tà kiến không diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; vì nhân duyên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định, tà giải thoát và tà trí, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên tà trí không diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
Do nhân duyên chánh kiến nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh kiến tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát và chánh trí nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh trí tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
Nếu dục này không được mà được, không thu hoạch mà thu hoạch, không chứng mà chứng, thì cũng vì nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh, vì nhân duyên cái kia tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Đó gọi là vì nhân duyên không diệt tận, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; và vì nhân duyên diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, không biết như thật đối với duyên duyên, sự tập khởi của duyên duyên, sự diệt tận của duyên duyên, con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên, con đường đưa đến sự diệt tận của duyên duyên như vậy, thì người này không phải là Sa-môn của Sa-môn, không phải Bà-la-môn của Bà-la-môn, không đồng với Sa-môn của Sa-môn, không đồng với Bà-la-môn của Bà-la-môn, không đúng nghĩa Sa-môn, không đúng nghĩa Bà-la-môn, đối với pháp hiện tại không tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm-hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, mà biết như thật đối với duyên duyên, sự tập khởi của duyên duyên, sự diệt tận của duyên duyên, con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên và con đường đưa đến sự diệt tận của duyên duyên như vậy, thì người này là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn, đồng với Sa-môn của Sa-môn, đồng với Bà-la-môn của Bà-la-môn, đúng nghĩa Sa-môn, đúng nghĩa Bà-la-môn, đối với pháp hiện tại tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm-hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.