KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 14
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
MẬU-SƯ-LA
KINH SỐ 979
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn-giả Na-la, Tôn-giả Mậu-sư-la, Tôn-giả Thù Thắng và Tôn-giả A-nan đang ở bên ao Tượng nhĩ tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn-giả Na-la nói với Tôn-giả Mậu-sư-la:
“Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh không, tức là nói ‘Do sanh nên có già chết; không lìa sanh mà có già chết’?”
Tôn-giả Mậu-sư-la nói:
“Ngoại trừ tín, ngoại trừ sở thích, ngoại trừ sở văn, ngoại trừ giác tưởng hành tướng, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Vì có sanh nên có già, chết, không thể ngoại trừ sanh mà có già, chết.’ Có thuyết như vậy.”
“Bạch Tôn-giả Mậu-sư-la, có tin tưởng khác… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh nào như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn’ chăng?”
Tôn-giả Mậu-sư-la đáp:
“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn.’”
Tôn-giả Na-la lại hỏi Tôn-giả Mậu-sư-la:
“Nói rằng ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn;’ vậy thì thầy có phải là A-la-hán đã dứt các lậu chăng?’”
Tôn-giả Mậu-sư-la im lặng, không đáp. Hỏi lần thứ hai, lần thứ ba, cũng không đáp. Khi ấy Tôn-giả Thù Thắng nói với Tôn-giả Mậu-sư-la:
“Thôi, Tôn-giả cứ im lặng, tôi sẽ thay Tôn-giả trả lời Tôn-giả Na-la.”
Tôn-giả Mậu-sư-la nói:
“Tôi xin dừng nơi đây, Tôn-giả hãy giải đáp giúp tôi.”
Khi ấy Tôn-giả Thù Thắng nói với Tôn-giả Na-la:
“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn.’”
Bấy giờ, Tôn-giả Na-la hỏi Tôn-giả Thù Thắng:
“Ngoại trừ tín,… cho đến, ngoại trừ thẩm sát nhẫn thọ, có tri kiến tự giác chân chánh như vậy phát sanh, tức là nói: ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn; vậy nay Tôn-giả là A-la-hán lậu tận’ chăng?”
Tôn-giả Thù Thắng nói:
“Tôi nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn,’ nhưng tôi chẳng phải là A-la-hán sạch hết các lậu.”
Tôn-giả Na-la nói:
“Lời nói của Tôn-giả không đồng nhất, trước sau mâu thuẫn. Như Tôn-giả nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn;’ nhưng lại nói không phải là A-la-hán sạch hết các lậu, như vậy là thế nào?”
Tôn-giả Thù Thắng nói với Tôn-giả Na-la:
“Bây giờ sẽ nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu liền. Như giữa cánh đồng vắng bên đường có giếng nước, nhưng không có dây cũng không có gàu để lấy nước. Người đi đường lúc ấy bị cơn khát bức bách, đi quanh giếng tìm nhưng không có dây, cũng không có gàu. Người ấy xem xét kỹ nước giếng thấy biết như thật mà chẳng chạm vào thân. Cũng như thế tôi nói ‘Hữu diệt là tịch diệt, Niết-bàn,’ nhưng tự mình chưa được là bậc A-la-hán sạch hết các lậu.”
Khi ấy Tôn-giả A-nan hỏi Tôn-giả Na-la:
“Tôn-giả Na-la nghĩ thế nào về điều Tôn-giả Thù Thắng nói.”
Tôn-giả Na-la trả lời Tôn-giả A-nan:
“Tôn-giả Thù Thắng khéo nói và biết như thật, đâu còn gì để nói nữa.”
Sau khi đàm đạo xong, các vị Chánh sĩ rời chỗ ngồi đứng lên, rồi ra đi.