KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 13
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
NHÂN
KINH SỐ 939
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng vẻ, chuyên tinh tư duy, nghĩ thầm: “Tỳ-kheo nên biết thế nào, thấy thế nào để được thấy pháp?” Suy nghĩ như vậy rồi, từ chỗ ngồi thiền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, một mình con ở nơi vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo nên biết thế nào, nên thấy thế nào để được thấy pháp?’”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:
“Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
Có hai pháp. Hai pháp gì? Mắt và sắc là hai. (Nói chi tiết như trên cho đến)… những thứ chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc, bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là con người. Ở nơi những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sanh, na-la, ma-nậu-xà, ma-na-bà, sĩ phu, phước-già-la, kỳ-bà, thiền-đầu.
Lại nói như vầy: ‘Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.’ Kia giả lập rồi nói như vầy: ‘Vị Tôn-giả này tên như vậy, sanh như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm khổ vui như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, thọ mạng như vậy.’ Này Tỳ-kheo, đó là tưởng, là ghi nhớ, là ngôn thuyết; tất cả các pháp này đều là hữu vi, vô-thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra. Nếu là pháp hữu vi, vô-thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra, thì chúng là khổ. Khổ này phát sanh, rồi khổ đình trụ, rồi khổ diệt; và rồi khổ này tái diễn xuất sanh nhiều lần; tất cả đều khổ. Nếu cái khổ này dứt đi, không còn dư tàn, nhả ra hết, ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh mà các khổ khác không tiếp nối, không phát sanh nữa; thì đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả tất cả hữu dư, tất cả ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn. Tai, mũi, lưỡi, thân,… thân, xúc làm duyên sanh thức thân, cả ba hòa hợp sanh ra xúc; thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, với thân căn là sắc ấm, gọi đó là con người. Chi tiết như trên cho đến diệt tận Niết-bàn.
Duyên ý và pháp sanh ra ý thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, vàø bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người. Chi tiết đầy đủ như trên, cho đến diệt tận Niết-bàn.
Nếu có người nào, đối với các pháp này, tâm tùy nhập, an trú, giải thoát, không thoái chuyển, đối với người ấy những hệ lụy khởi lên đều không có ngã. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, thì đó là thấy pháp.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.