KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 13

雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.

NHẤT THIẾT HỮU
KINH SỐ 951

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, Ngài nói tất cả đều có, vậy thế nào là tất cả đều có?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Nay Ta hỏi, ông cứ tùy ý mà trả lời câu hỏi của Ta. Này Bà-la-môn, ý ông thế nào, mắt là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Sắc là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Này Bà-la-môn, vì có sắc, có nhãn thức, có nhãn xúc, nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc chăng?”

Bà-la-môn Sanh Văn đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nói rộng ra như trên cho đến chẳng phải cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đứng lên từ giã.

(KINH NHẤT THIẾT HỮU - HẾT)



  ‹    
  ›    
A+   A-
Kinh Tạp A Hàm - 1154 bài kinh