KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 12

雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.

THẬM THÂM
KINH SỐ 926

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta đã vượt nghi, dứt trừ do dự, nhổ sạch gai tà kiến, không còn thoái chuyển, tâm không chấp trước nữa, thì nơi nào có ngã? Ta vì các Tỳ-kheo thuyết pháp, Ta vì các Tỳ-kheo nói pháp tùy thuận duyên khởi xuất thế của bậc Hiền thánh tương ưng với Không. Nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, duyên thức nên có danh sắc, duyên danh sắc nên có lục nhập xứ, duyên lục nhập xứ nên có xúc, duyên xúc nên có thọ, duyên thọ nên có ái, duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy, (chi tiết ….) cho đến, thuần khối khổ lớn tụ tập như vậy bị diệt.

Thuyết pháp như vậy, nhưng Tỳ-kheo kia vẫn còn nghi hoặc, còn do dự. Trước chẳng đắc mà tưởng đắc, chẳng đạt mà tưởng đạt, chẳng chứng mà tưởng chứng. Nay nghe pháp xong tâm sanh lo khổ, hối hận, mê mờ, chướng ngại. Vì sao? Vì đây là chỗ sâu xa, tức là pháp duyên khởi. Lại càng sâu xa, khó thấy gấp bội, đó là lìa tất cả thủ, ái tận, vô dục, tịch tĩnh, Niết-bàn. Như hai pháp này, là pháp hữu vi và vô vi. Hữu vi, hoặc sanh. hoặc trụ, hoặc dị, hoặc diệt. Vô-vi, là chẳng sanh, chẳng trụ, chẳng dị, chẳng diệt. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là các hành là khổ; Niết-bàn là tịch diệt. Nhân tập nên khổ tập; nhân diệt nên khổ diệt; cắt đứt các nẻo, diệt hẳn tương tục. Tương tục diệt, đây gọi là khổ biên. Này các Tỳ-kheo, cái gì diệt? Đó là khổ hữu dư. Cái ấy nếu diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh, nghĩa là đã diệt hết tất cả thủ, ái tận, vô dục, tịch tịnh, Niết-bàn.”


Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(KINH THẬM THÂM - HẾT)



  ‹    
  ›    
A+   A-
Kinh Tạp A Hàm - 1154 bài kinh