KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 12

雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.

NHÂN DUYÊN
KINH SỐ 929

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói pháp nhân duyên và pháp duyên sanh.

Thế nào là pháp nhân duyên? Là cái này có nên cái kia có, như duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, cho đến, tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy.

Thế nào là pháp duyên sanh? Là vô minh, hành,… dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày rằng: Duyên vô minh có hành, cho đến, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày rằng: duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

Các pháp này, pháp trụ, pháp không, pháp như, pháp nhĩ, pháp chẳng lìa như, pháp chẳng khác như, chân đế, chân thật, không điên đảo. Tùy thuận duyên khởi như vậy, đó gọi là pháp duyên sanh. Tức là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Đó gọi là pháp duyên sanh.

Đa văn Thánh-đệ-tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh này bằng chánh tri mà thấy rõ như thật, không truy tìm về đời trước mà nói rằng: ‘Tôi trong đời quá khứ hoặc có, hay không có? Tôi trong quá khứ là loài gì, tôi trong quá khứ như thế nào?’ Không truy tìm tương lai mà nói rằng: ‘Tôi ở đời vị lai hoặc có, hay không có? Tôi là loài gì, tôi sẽ như thế nào?’ Bên trong chẳng do dự: ‘Đây là những thứ gì? Tại sao có cái này? Trước đây chúng là cái gì? Sau này chúng sẽ là cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Ở đây mất rồi sẽ đi về đâu?’

Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào khởi các kết sử kiến phàm tục, tức là, kết sử của ngã kiến, kết sử của chúng sanh, kết sử của thọ mệnh, hoặc kết sử của kiến chấp cữ kiêng tốt xấu. Khi tất cả những điều đó được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ, như chặt ngọn cây đa-la, ở đời vị lai thành pháp bất sanh. Đó gọi là đa văn Thánh-đệ-tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh bằng chánh trí mà như thật khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo tu tập, khéo thể nhập.”


Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(KINH NHÂN DUYÊN - HẾT)



  ‹    
  ›    
A+   A-
Kinh Tạp A Hàm - 1154 bài kinh