KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 12
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
THA
KINH SỐ 933
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ có một Bà-la-môn đến chỗ Phật; cùng Đức Thế Tôn đón chào vui vẻ. Sau khi vui vẻ chào hỏi, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Cù-đàm, thế nào, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ta nói điều này không khẳng định. Tự mình làm và tự mình cảm thọ, điều này không được khẳng định.”
Bà-la-môn hỏi:
“Bạch Cù-đàm, người khác làm và người khác cảm thọ chăng?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Người khác làm và người khác cảm thọ; điều này không khẳng định.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Tôi hỏi, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định. Tôi hỏi, người khác làm và người khác cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định, nghĩa này như thế nào?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Nếu tự mình làm và tự mình cảm thọ thì sẽ rơi vào thường kiến. Nếu người khác làm và người khác cảm thọ thì sẽ rơi vào đoạn kiến. Thuyết nghĩa, thuyết pháp là lìa hai bên này, Ta thuyết pháp ở nơi Trung đạo. Tức là nói rằng: ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, duyên vô minh nên có hành… cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tập. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến việc thuần một khối khổ lớn bị diệt.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.