KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 16

雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.

TƯ DUY
KINH SỐ 1020

TƯ DUY - TẬP 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, tư duy những điều thế gian tư duy. Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, đi đến nhà ăn, trải tòa ngồi, rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ tư duy những điều thế gian tư duy. Vì sao? Vì những điều tư duy của thế gian chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm-hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Các ông nên chân chánh tư duy, ‘Đây là Khổ Thánh-đế, đây là Khổ tập Thánh-đế, đây là Khổ diệt Thánh-đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh-đế.’ Vì sao? Vì tư duy như vậy có lợi ích cho pháp, có lợi ích cho phạm-hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn.

Vào thời quá khứ có một người ra khỏi thành Vương-xá, đến bên bờ ao Câu-hy-la, ngồi tư duy về sự tư duy của thế gian. Trong lúc đang tư duy bỗng thấy một đoàn quân gồm bốn quân chủng: voi, ngựa, xe, bộ binh, vô lượng vô số, tất cả đều vào trong một cái lỗ của ngó sen. Thấy vậy, người đó liền nghĩ: ‘Ta đã điên cuồng, mất tâm tính; điều thế gian không có mà nay ta thấy có.’

Bấy giờ, cách ao này không xa, có nhiều người tụ tập lại một chỗ. Người này liền đi đến chỗ đám đông, nói rằng: ‘Các vị, nay tôi đã phát cuồng, tôi đã mất tâm tính, điều thế gian không có mà tôi thấy có.’ Người này kể đầy đủ như trên. Khi ấy mọi người đều bảo người này đã phát điên, mất tâm tính, những điều thế gian không có mà người này thấy có.”

Phật nói các Tỳ-kheo:

Nhưng người này không phải điên cuồng mất tâm tính, mà là thấy chân thật. Vì sao? Vì lúc ấy cách ao Câu-hy-la không xa có các vị trời và A-tu-la khởi bốn thứ quân chủng chiến đấu giữa hư không. Lúc ấy, các vị trời đắc thắng, quân A-tu-la bại trận, nhập vào trong một cái lỗ ngó sen trong hồ này.

Cho nên, Tỳ-kheo, các ông hãy cẩn thận chớ nên suy nghĩ về thế gian. Vì sao? Vì tư duy thế gian chẳng lợi ích gì cho nghĩa, chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm-hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Mà nên tư duy về bốn Thánh-đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh-đế, Khổ tập Thánh-đế, Khổ diệt Thánh-đế, Khổ diệt đạo tích Thánh-đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

TƯ DUY - TẬP 2

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Hoặc nói thế gian là thường, hoặc nói thế gian là vô-thường, thế gian vừa hữu thường vừa vô-thường, thế gian chẳng phải hữu thường chẳng phải vô-thường; thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên; thế gian là vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Mạng là thân, hay mạng khác thân khác. Như Lai sau khi chết là có, Như Lai sau khi chết là không, Như Lai sau khi chết vừa có vừa không, Như Lai sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không.’

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngồi Thiền tịnh ở một chỗ, bằng thiên nhĩ, nên nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo đang tụ tập ở nhà ăn. Nghe xong, đi đến nhà ăn, trải tòa mà ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:

“Các Tỳ-kheo ở đây tụ tập để bàn nói việc gì vậy?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con tụ tập ở nhà ăn này bàn luận, ‘Hoặc nói hữu thường, hoặc nói vô-thường.’ Nói đầy đủ như trên.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông chớ bàn luận nghĩa như vậy. Vì sao? Vì sự bàn luận này chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm-hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận hướng Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, nên luận nghị như thế này, ‘Đây là Khổ Thánh-đế, đây là Khổ tập Thánh-đế, đây là Khổ diệt Thánh-đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh-đế.’ Vì sao? Vì luận nghị này có lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm-hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh-đế nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(KINH TƯ DUY - HẾT)



  ‹    
  ›    
A+   A-
Kinh Tạp A Hàm - 1154 bài kinh