KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 13
雜阿含經Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.
NHẤT THIẾT
KINH SỐ 950
NHẤT THIẾT - TẬP 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi chào đón hỏi thăm nhau, ngồi một bên bạch Phật:
“Bạch Cù-đàm, nói rằng ‘tất cả’, vậy thế nào là tất cả?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Tất cả, nghĩa là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp, đó gọi là tất cả. Nếu có người lại nói rằng: ‘Đó không phải là tất cả, mà Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả. Nay ta bỏ tất cả này mà lập riêng tất cả khác,’ thì người này chỉ nói trên ngôn thuyết. Nếu hỏi đến thì họ lại không biết và chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”
Bà-la-môn Sanh Văn nghe Phật nói xong, hoan hỷ phụng hành.
NHẤT THIẾT - TẬP 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Sa-môn Cù-đàm, nói là tất cả pháp, vậy thế nào là tất cả pháp?”
Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:
“Mắt, sắc, nhãn thức sanh ra nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp, ý thức sanh ra ý xúc; ý xúc làm hân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, đó gọi là tất cả pháp. Nếu có người lại nói: ‘Ở đây không phải là tất cả các pháp, như Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả pháp. Nay ta bỏ tất cả pháp này mà lập riêng tất cả pháp khác,’ thì người ấy chỉ nói trên ngôn thuyết, nếu hỏi đến thì lại không biết, chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như ba kinh Bà-la-môn Sanh Văn đã hỏi, ba kinh có Tỳ-kheo khác hỏi và ba kinh Tôn-giả A-nan hỏi, ba kinh Đức Thế Tôn nói về pháp nhãn, pháp căn, pháp y cũng dạy như trên.