KINH TẠP A HÀM - QUYỂN 10

雜阿含經
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La
Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Thầy Tuệ Sỹ.

VÔ MINH
KINH SỐ 893

VÔ MINH - TẬP 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương-xá. Bấy giờ Tôn-giả Xá-lợi-phất và Tôn-giả Ma-ha Câu-hi-la ở tại núi Kỳ-xà-quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn-giả Câu-hi-la đến chỗ Tôn-giả Xá-lợi-phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn-giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn-giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn-giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Vô minh là không biết, không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô-thường, mà không biết như thật sắc là vô-thường. Sắc là pháp ma diệt mà không biết như thật sắc là pháp ma diệt. Sắc là pháp sanh diệt mà không biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô-thường mà không biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô-thường. Thức là pháp ma diệt mà không biết như thật thức là pháp ma diệt; thức là pháp sanh diệt mà không biết như thật thức là pháp sanh diệt. Này Ma-ha Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này mà không thấy, không biết như thật, không có vô gián đẳng, ngu si, mờ tối, không sáng tỏ, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này gọi là vô minh.”

Lại hỏi Tôn-giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là minh, vậy thế nào là minh? Ai có minh này?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất nói Tôn-giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Minh là biết; biết gọi là minh.”

Lại hỏi:

“Biết những gì?”

Đáp:

“Sắc là vô-thường; biết như thật sắc là vô-thường. Sắc là pháp ma diệt, biết như thật sắc là pháp ma diệt. Sắc là pháp sanh diệt, biết như thật sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là vô-thường, biết như thật thọ, tưởng, hành, thức là vô-thường. Thức là pháp ma diệt, biết như thật thức là pháp ma diệt. Thức là pháp sanh diệt, biết như thật thức là pháp sanh diệt. Này Tôn-giả Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, như thật biết, thấy, sáng tỏ, có giác, có tuệ, có vô gián đẳng, đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy về chỗ ở của mình.

VÔ MINH - TẬP 2

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương-xá. Bấy giờ Tôn-giả Xá-lợi-phất và Tôn-giả Ma-ha Câu-hi-la ở tại núi Kỳ-xà-quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn-giả Câu-hi-la đến chỗ Tôn-giả Xá-lợi-phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn-giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn-giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn-giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Vô minh là không biết; không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Không biết như thật về sắc; không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc. Không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; không biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Này Ma-ha Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, mà không biết như thật, không biết, không thấy, không có vô gián đẳng, ngu si, mờ tối, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này, gọi là vô minh.”

Lại hỏi Tôn-giả Xá-lợi-phất:

“Thế nào là minh? Ai có minh này?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Gọi minh là biết, biết tức là minh.”

Lại hỏi:

“Biết những gì?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về con đường đưa đến sự đoạn tận của sắc. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Này Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, như thật biết, thấy, sáng tỏ, có giác, có tuệ, có vô gián đẳng, thì đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy về chỗ ở của mình.

VÔ MINH - TẬP 3

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương-xá. Bấy giờ Tôn-giả Xá-lợi-phất và Tôn-giả Ma-ha Câu-hi-la ở tại núi Kỳ-xà-quật. Vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn-giả Câu-hi-la đến chỗ Tôn-giả Xá-lợi-phất, cùng chào hỏi và nói những lời tốt đẹp làm hài lòng, rồi ngồi qua một bên, hỏi Tôn-giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những việc muốn hỏi, Nhân giả có rảnh thì giờ vì tôi mà nói cho không?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Tôn-giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn-giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Không biết là vô minh.”

“Không biết những gì?”

“Không biết như thật về sắc. Không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức. Không biết như thật về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức, về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức, về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức. Này Ma-ha Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, mà không biết như thật, không thấy như thật, không có vô gián đẳng, mờ tối, hay ngu si, thì gọi là vô minh. Ai thành tựu những điều này, thì gọi là vô minh.”

Lại hỏi:

“Gọi là minh, vậy thế nào là minh? Ai có minh này?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Biết tức là minh.”

Lại hỏi:

“Biết những gì?”

Tôn-giả Xá-lợi-phất đáp:

“Biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức, về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức, về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức, về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức, về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức. Này Câu-hi-la, đối với năm thọ ấm này, biết như thật, thấy như thật, sáng tỏ, có giác, có quán, có vô gián đẳng, thì đó gọi là minh. Ai thành tựu những điều này thì gọi là người có minh.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ này, mỗi người nghe những điều được nói, tùy hỷ lẫn nhau, từ chỗ ngồi đứng dậy về chỗ ở của mình.

(KINH VÔ MINH - HẾT)



  ‹    
  ›    
A+   A-
Kinh Tạp A Hàm - 1154 bài kinh